5 loại rau vị thuốc quen thuộc

Leave a Comment
Y học cổ truyền xem lá lốt, thì là, ngải cứu, tía tô, diếp cá là bài thuốc chữa bệnh hiệu quả. 

Lá lốt
Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết lá lốt vị nồng, hơi cay, tính ấm, có tác dụng làm ấm bụng, trừ lạnh, giảm đau. Lá và thân của lá lốt chứa nhiều ancaloit và tinh dầu, thành phần chính là beta-caryophylen. Đây là chất có tác dụng kháng viêm, trị lo âu, trầm cảm hiệu quả. Riêng những người đang bị đau dạ dày, táo bón, nóng bức trong người... không nên dùng lá lốt. Tốt nhất trước khi sử dụng nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc.
Lá lốt rửa sạch, đun sôi sau đó để ấm, dùng ngâm hai bàn tay, hai bàn chân trong trường hợp bị ra mồ hôi. Thực hiện buổi tối trước khi đi ngủ và thực hiện liên tục trong nhiều ngày. Có thể cho thêm muối trắng, lá ngải cứu vào nấu cùng để tăng hiệu quả của bài thuốc ngâm chân bằng lá lốt.
Lá lốt có công dụng chữa đau bụng do nhiễm lạnh rất tốt. Bạn có thể lấy 20 g lá lốt tươi rửa sạch, sắc với nước, uống khi còn ấm trước khi ăn tối. Hoặc lấy 20 g lá lốt, 12 g thiên niên kiện, 16 g gai tầm xoang sắc với nước, chia uống trong ngày chữa đau nhức xương khớp khi trời lạnh.
Bạn cũng có thể hái một lượng lá lốt vừa đủ, rửa sạch, sắc lấy nước đặc để ngậm súc miệng hàng ngày giúp chắc răng, chữa viêm lợi. Hoặc 20 g lá lốt thái nhỏ, gạo vo sạch, hành tây, tỏi, hành hương, 2 g gừng thái mỏng, gia vị nêm. Nấu trong nước, bỏ vào một quả trứng gà, khuấy đều. Khi ăn, giúp đổ nhiều mồ hôi, giải cảm. 

Ngải cứu 
Ngải cứu không chỉ là loại cây gia vị mà còn là một vị thuốc, chứa chất tamin, tác dụng chống phù nề, mineol chống quá trình xơ hóa, làm giảm đau và làm mềm gân, thyon có tác dụng kích thích gân cơ, dây chằng giúp phục hồi cử động.  Ngoài ra ngải cứu còn có tác dụng kích thích, tăng cường cơ bắp và sức đề kháng cho cơ thể bởi có chứa thành phần thujone, tanacetone, azulene và cadinene. Uống trà ngải cứu thường xuyên có tác dụng lưu thông mạch, giảm viêm sưng, chống lại nhiều bệnh tật.
Chất histamin và acetylcholin trong ngải cứu khô thường dùng trong các loại thuốc kháng sinh, giảm đau, an thần. Tinh dầu ngải cứu có tác dụng kháng khuẩn đối với phế cầu, trực khuẩn lao và một số chủng vi khuẩn khác.
Món ăn trứng đánh ngải cứu hỗ trợ máu lưu thông lên não. Trước thời gian hành kinh một tuần, hãm ngải cứu hoặc pha bột ngải cứu cùng nước sôi như pha trà, uống 3 lần một ngày, giúp điều hòa kinh nguyệt và giảm đau bụng kinh.
Tuy nhiên, dược tính quá cao nên ngải cứu đôi khi cũng có các tác dụng phụ nếu sử dụng quá nhiều. Phụ nữ mang thai ba tháng đầu thai kỳ, người bị bệnh viêm gan, người bị bệnh rối loạn đường ruột cấp tính, người bị bệnh xơ vữa động mạch vành, người bị bệnh sỏi thận, không nên dùng nhiều. Ngải cứu cũng có thể gây phản ứng dị ứng ở một số bệnh nhân bị dị ứng với thực vật họ Asteraceae như hoa cúc, ragweed, cỏ bạch dương, cà rốt hoặc cần tây.

Tía tô
Rau tía tô có vị nồng cay dùng làm món ăn kèm và chữa bệnh. Ảnh: Wikipedia.

Tía tô không chỉ dùng để ăn kèm với nhiều món ngon mà còn có tác dụng chữa bệnh, làm giảm co thắt cơ trơn của phế quản, chất tinh dầu làm tăng đường huyết. Aldehyt tía tô chống ức chế trung khu thần kinh. Nước ngâm lá tía tô có tác dụng ức chế các loại vi trùng như tụ cầu khuẩn, trực khuẩn lị, trực khuẩn đại tràng.
Về thành phần hóa học, hạt tía tô có hàm lượng tinh dầu lớn và giàu các axit béo chưa bão hòa, chủ yếu là axit alpha-linoleic. Lá tía tô chứa khoảng 0,2% tinh dầu nguyên chất và các hydrocarbon, aldehyde, xeton, furan... Chiết xuất lá tía tô cho thấy có các chất chống oxy hóa, chống dị ứng, chống viêm, chống trầm cảm.
Khi bị vết thương chảy máu, bạn có thể lấy lá tía tô non tán nhỏ, đắp trùm lên chỗ máu đang chảy, rắc cho vừa kín rồi buộc lại. Vết thương sẽ cầm máu, không gây mủ và không để lại vết sẹo khi lành.
Uống nước lá tía tô mỗi ngày bổ sung cho cơ thể lượng dưỡng chất lớn có vai trò ngăn chặn sự hình thành sắc tố melamin - nguyên nhân gây nám, tàn nhang, đốm nâu trên da. Nước lá tía tô thay thế nước lọc hàng ngày là phương pháp giảm cân cực kỳ hiệu quả do chứa protein thực vật, chất xơ cùng nhiều vitamin, khoáng chất thiết yếu có khả năng thúc đẩy dạ dày, tăng cường chuyển hóa, trao đổi chất.
Thì là
Thì là có mùi thơm hắc, hơi đắng, vị cay, không độc. Lá cây có bẹ, phiến lá phát triển xé hình lông chim, phiến nhỏ như sợi chỉ, các lá ở ngọn thường tiêu giảm, không có cuống. Bộ phận thường dùng là lá, củ và hạt để làm hương liệu chế biến thức ăn và làm thuốc.
Đây là loại rau dùng để giải độc cho cơ thể, bổ sung vào các món ăn như canh, chả cá, cá chép om... hỗ trợ đường tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng, chống lão hóa, hạn chế nguy cơ ung thư. Ngoài ra thì là còn có thể dùng để chống ho, chữa cảm cúm và cảm lạnh.
Với phụ nữ, thì là có tác dụng kích thích và điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, làm giảm đau bụng kinh và các trường hợp bế kinh gây ra bởi thiếu máu, cảm lạnh. Bài thuốc gồm dịch chiết lá thì là trộn chung với nước ép rau cần tây, chia 3 lần uống trong ngày. Ngoài ra, thì là có chứa thành phần giống như estrogen trong cơ thể, kích thích tiết sữa. Đây là một trong những hormone quan trọng, tăng cường ham muốn ở phụ nữ và nam giới.
Đặc biệt, thì là còn dùng để bổ thận, kích thích sự bài tiết gia tăng nước tiểu, nhờ đó giảm cơn đau quặn do rối loạn đường tiết niệu như viêm thận, viêm bàng quang, sỏi thận và cải thiện hoạt động của dạ dày. Lá thì là đun trong dầu vừng được điều chế thành một dạng thuốc dầu bôi vào nơi sưng và đau ở khớp sẽ giảm sưng, đau. Ăn thì là hoặc sắc nước uống buổi tối sẽ giúp bạn ngủ ngon.
Khoa học hiện đại tìm thấy trong thì là nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể như chất xơ, vitamin A, vitamin C, các chất khoáng và nhiều hoạt chất khác. Đặc biệt, kali trong thì là hỗ trợ cơ thể kiểm soát huyết áp, tăng cường chức năng thận, sức khỏe xương và sức mạnh cơ bắp
Diếp cá
Trong Đông y, toàn bộ cây diếp cá được dùng để làm thuốc trị cảm cúm và phế cầu khuẩn, giải độc, thanh nhiệt, giảm đau, trị ho, trị đau dạ dày, dùng ngoài trị ghẻ, nấm eczema, bệnh trĩ tắc mạch... Đặc biệt rau có tác dụng thúc đẩy mọc tóc, giúp tóc bạc đen trẻ lại, đồng thời bồi bổ cơ thể, chữa trĩ, lòi dom ở trường hợp nhẹ với các triệu chứng như đau, chảy máu khi đại tiện, ngứa hậu môn, tiết dịch và ướt viêm quanh hậu môn.
Bạn có thể dùng lá diếp cá tươi hoặc hơi khô nấu nước xông hậu môn trong 10 phút, sau đó ngâm và rửa hậu môn lúc nước còn nóng. Lưu ý, nên phơi diếp cá trong mát khi lá vẫn xanh, tránh phơi nắng to làm héo lá, mất hoạt chất. Bạn cũng có thể giã lá tươi để uống kết hợp đắp vào chỗ đau rồi băng lại. Dùng 50 g lá tươi giã vắt lấy nước, thêm muối cho bớt tanh. Nên uống mỗi ngày 50 đến 100 g lá tươi, liên tục trong ba tháng.
Loại rau này có thể chữa được các bệnh khác như sởi, mề đay, viêm nhiễm đường tiết niệu, viêm ruột, các bệnh ngoài da...Rau diếp cá 30g để tươi, rửa sạch, giã nát, thêm nửa bát nước nguội vào đun sôi, để nguội và uống làm một lần đồng thời lấy bã đắp vào thái dương trị cảm, sốt.
Ngoài ra, diếp cá còn ngăn ngừa mụn, chống lão hoá hiệu quả. Bạn có thể giã nát diếp cá rồi trộn với một chút muối hạt rồi bôi lên mặt giúp da săn chắc hơn, điều tiết chất nhờn, đặc biệt là vùng chữ T (trán, mũi, cằm). Với tính sát khuẩn cao, nó còn giúp da thải độc, ngăn ngừa và điều trị mụn trứng cá rất an toàn.

(Nguon: VNE)
 


0 nhận xét:

Đăng nhận xét