Ðối với người bị tiểu đường, dinh dưỡng là yếu tố quan trọng
trong quá trình kiểm soát bệnh trạng. Theo đó, chế độ ăn hằng ngày vừa
phải đảm bảo đủ dưỡng chất thiết yếu, vừa phải cân bằng giữa số lượng và
chất lượng để có thể điều chỉnh tốt lượng đường trong máu.
Theo một
nghiên cứu, các thực phẩm chứa lợi khuẩn probiotic - điển hình là sữa
chua - có thể giúp kiểm soát nồng độ glucose trong máu ở bệnh nhân tiểu
đường và giảm nguy cơ mắc bệnh ở người có nguy cơ cao.
Giá trị dinh dưỡng của sữa chua
Sữa chua là thực phẩm cung cấp nhiều dưỡng chất quan trọng, bao gồm:
nước, prôtêin, canxi, sắt, magiê, phốt-pho, kali, natri, kẽm, selen,
florua, folate, choline, vitamin A, beta caroten, các vitamin như E, D
và K cùng 9 loại axít amin thiết yếu khác.
Tuy có rất nhiều loại sữa chua trên thị trường, nhưng các chuyên gia
dinh dưỡng cho biết tất cả đều chứa hai chủng vi khuẩn có lợi cho đường
ruột là Streptococcus và Lactobacillus. Do đó, sữa chua là thực phẩm
được khuyên nên bổ sung vào chế độ ăn uống lành mạnh giúp kiểm soát và
ngăn ngừa bệnh tiểu đường, cũng như các biến chứng liên quan tiểu đường.
Dưới đây là những lợi ích liên quan đến phòng, chống bệnh tiểu đường
của sữa chua:
+ Phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh. Theo một nghiên cứu, so với không ăn
sữa chua, ăn từ 80-123g sữa chua/ngày giúp làm giảm 14% nguy cơ khởi
phát tiểu đường tuýp 2. Những tác dụng mà sữa chua mang lại có thể giúp
điều chỉnh quá trình chuyển hóa glucose và giảm nguy cơ mắc tiểu đường ở
mọi đối tượng.
+ Tránh nguy cơ đường huyết tăng vọt. Các nhà nghiên cứu cho biết
tiêu thụ nhiều sữa chua giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, vì
chỉ số đường huyết (GI, tốc độ làm tăng đường huyết của thực phẩm) và
tải lượng đường huyết (GL, hàm lượng đường mà thực phẩm đó cung cấp) của
sữa chua đều thấp. So với sữa chua có đường, khoảng 92% sữa chua nguyên
chất có GI thấp (ít hơn 55) và sự khác biệt đó là do tỷ lệ prôtêin -
carbohydrate đặc trưng trong sữa chua nguyên chất.
+ Giảm viêm. Theo một nghiên cứu, sữa chua có thành phần kháng viêm.
Tiêu thụ vi khuẩn sản xuất axít lactic - hay gọi là men vi sinh trong
sữa chua - giúp giảm viêm tuyến tụy, nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường
và đề kháng insulin thông qua việc tổn hại các tế bào tuyến tụy và cản
trở hoạt động sản xuất insulin.
+ Giảm nồng độ cholesterol. Bệnh tiểu đường có liên quan đến nồng độ
cao cholesterol, vì các tế bào mỡ kháng insulin ngăn cản quá trình
chuyển hóa glucose và làm tăng lượng mỡ trong cơ thể. Theo một nghiên
cứu, các chủng lợi khuẩn như L acidophilus và B lactic có khả năng làm
giảm nồng độ cao cholesterol ở cả bệnh nhân tiểu đường và người có nguy
cơ mắc bệnh này.
+ Cải thiện tình trạng chống ôxy hóa. Tình trạng căng thẳng ôxy hóa
(oxidative stress) có thể góp phần làm khởi phát bệnh tiểu đường. Trong
một nghiên cứu tập trung vào tác dụng chống ôxy hóa của thực phẩm chứa
probiotic như sữa chua, các chuyên gia phát hiện sữa chua có thể cải
thiện đáng kể lượng đường huyết khi đói và giảm tổn hại do các gốc tự do
gây ra ở bệnh nhân tiểu đường. Ðiều này đồng nghĩa sữa chua probiotic
có thể giúp kiểm soát bệnh tiểu đường và ngăn ngừa các biến chứng liên
quan.
Cách chọn sữa chua cho người bị tiểu đường
Ðể chọn sữa chua thích hợp cho người bị tiểu đường, việc xem kỹ thành
phần trên bao bì là rất quan trọng. Nhiều loại sữa chua bày bán trên
thị trường thường được thêm đường, nên hãy chọn loại chứa từ 10-15g tinh
bột - đường hoặc dưới 9g đường. Một số loại sữa chua được xem là “thân
thiện” với người bị tiểu đường gồm: sữa chua Hy Lạp, sữa chua probiotic,
sữa chua không chứa lactose, sữa chua gốc thực vật (làm từ đậu nành,
hạt điều, yến mạch, nước cốt dừa, hạnh nhân và hạt lanh), sữa chua làm
từ sữa dê và cừu…
Nếu thích, bạn có thể bỏ thêm vào sữa chua một ít trái cây tươi, ăn
kèm bánh quy, hoặc ăn cùng món bánh tráng miệng. Nhưng lưu ý là bệnh
nhân tiểu đường và người có nguy cơ cao mắc bệnh chỉ có thể hưởng lợi từ
sữa chua nếu tiêu thụ ở lượng vừa phải.
AN NHIÊN (Theo Bao Moi)